Không biết từ đâu và khi nào mà những li cà phê đã trở nên quá gần gũi đối với người Việt Nam, vị đắng của những giọt cà phê đã trở nên quá quen thuộc vào mỗi buổi sáng sớm ở mảnh đất hình chữ S này. Gần như trong mọi lúc, mọi người vẫn có thể thưởng thức cà phê được, từ trong việc làm để gặp đối tác, hay trong những giây phút riêng tư cùng bạn bè và gia đình.
Sự xuất hiện của văn hóa cà phê
Có thể nói người Pháp đã du nhập cà phê vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Cà phê ban đầu chỉ dành cho các quan chức Pháp và tầng lớp quý tộc. Sau một thời gian dài, thức uống này được dùng rộng rãi khắp mọi nơi.
Sản lượng cà phê hiện nay luôn đứng trong top đầu thế giới, hai loại cà phê phổ biến được trồng tại Việt Nam là Arabica và Robusta. Những loại cà phê được trồng không chỉ gây tiếng vang lớn ở trong mà còn ngoài nước về chất lượng và mùi vị.
Cà phê người Việt
Nếu như tại các nước khác, cà phê được uống một cách vội vã để thức tỉnh bản thân vào mỗi buổi sáng sau khi được mọi người mua tại một tiệm cà phê mang đi trên đường đi làm, thì ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Người ta kiên nhẫn chờ đợi li cà phê được sẵn sang từ phin, để rồi tiếp tục từ từ nhâm nhi từng ngụm nhỏ, cùng tờ báo sáng trên tay hoặc điện thoại để lướt web.
Cà phê phin là một trong những thứ mà khiến cho văn hóa Việt Nam trở nên độc đáo trong mắt bạn bè quốc tế. Người nước ngoài luôn cảm thấy thật thú vị khi ngồi chờ từng giọt cà phê rơi, và họ càng thích thú hơn khi tận hưởng vị ngon của li cà phê đó, dù là đen hay sữa.
Cà phê đối với người Việt Nam luôn mang lại cảm giác sảng khoái, những phút giây thư giãn và mang mọi người đến gần nhau. Mỗi người ở mọi nơi luôn tự cho mình một li cà phê mỗi sáng trước một ngày làm việc. những phút giây quây quần cùng người thân và bạn bè quanh những ly cà phê Việt giúp mọi người cùng nhau trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, để rồi mọi người được gắn kết lại với nhau, tạo nên một Sài Gòn như chúng ta biết đến ngày nay.