Thời gian gần đây, có rất nhiều thắc mắc xung quanh các công bố của các cơ quan tổ chức nước ngoài, như của Reuters, USDA hay thậm chí là 1 công ty nước ngoài nào đó, nói về mùa vụ và các thông tin mùa vụ cà phê Việt Nam.
Gần đây còn nổi lên chuyện các văn phòng đại diện “buôn bán nội địa” hay USDA nói thế này thế kia… Thôi thì thử làm 1 cuộc giải mã xem họ đã làm điều đó như thế nào ?
Đầu tiên, ta hãy thử tìm hiểu về cách họ thu thập thông tin, mà ở đây là cách 1 văn phòng đại diện nước ngoài đang làm.
Ai cũng biết mùa vụ (crop year) cà phê Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 của năm này và kết thúc vào tháng 9 của năm sau. Cái khác biệt đầu tiên cần phải phân biệt là các con số thống kê. Các công ty nước ngoài thống kê theo mùa vụ, như niên vụ này họ sẽ dùng cụm từ “niên vụ 2010-2011” còn các cơ quan thông kê của Việt Nam thì thống kê theo năm kế hoạch, từ tháng 1 cho đến tháng 12. Cho nên khi đọc các báo chí, các báo cáo thì các con số trong và ngoài nước chỏi nhau ì xèo và dĩ nhiên một người không trong ngành đọc sẽ rất khó hiểu !
Về thông tin, các công ty nước ngoài bao giờ cũng để ý đến các thông tin sau đây, và sau đó họ đã sử dụng các thông tin này một cách rất hiệu quả trong việc kinh doanh.
1. Thời tiết
Họ làm hẳn 1 bảng tính trong đó thống kê rõ về lượng mưa từng tháng (có công ty còn làm theo hàng tuần), số ngày nắng, cường độ chiếu sáng, đồ dài của các ngày nắng …
2. Tính sản lượng
Tất nhiên họ không thể biết đích xác sản lượng nhưng con số mà họ đưa ra “luôn luôn gần đúng và có độ tin cậy rất cao”. Cách làm cũng rất đơn giản thôi – đó là đi.. hỏi nông dân và làm test sample.
Dĩ nhiên không thể ai cũng hỏi. Họ làm thế này, Việt Nam có khoảng 560,000 ha (số liệu năm 2011), một số diện tích ở vùng trọng điểm họ sẽ hỏi đại diện 2 nông dân, sau đó tổng hợp lại và sửa sai số và… sẽ có 1 kết luận.
Test sample: cái này gọi là lấy mẫu để “kiểm tra lại” kết quả đã hỏi nông dân. Thông qua lấy mẫu như vậy có thể xác định “năng suất” và “chất lượng” một cách tương đối khi trái cà phê vẫn còn trên cành và còn xanh !
3. Tính giá thành của 1 kg cà phê
Họ sẽ tính “giá thành của 1 kg cà phê mà nông dân thực tế sản xuất được”. Cái này rất quan trọng vì khi mua bán, nếu bạn biết giá huề vốn của người bán thì người bán khó mà … nói thách !
Làm sao để tính giá thành? Cũng đơn giản thôi, bằng cách tính xem người nông dân bón phân gì? Bón bao nhiêu lần? Mỗi lần bao nhiêu? Hay tưới thế nào? Có sông suối hay không hay đào giếng …. rồi từ đó ta sẽ có … giá thành. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa 1 công ty nước ngoài tính giá thành và 1 anh công chức tính giá thành là : Công ty nước ngoài có tính luôn phần Live Cost (tạm hiểu như là tiền sinh sống hằng ngày của người nông dân) vào giá thành sản phẩm.
Giá thành này sẽ nói lên điều gì ? sẽ dễ có câu trả lời, nhưng với người mua thì họ quan tâm: nếu mua bao nhiêu thì người ta sẽ bán ? câu này dễ hay khó tùy vào các bạn suy nghĩ.
4. Làm bảng tạm tính về kịch bản mua bán
Sau khi có đầy đủ thông tin nói trên thì các Mister làm dự báo này sẽ đối chiếu vào “động thái mùa vụ” và “phong tục tập quán” của nông dân mình để “tạm tính” ra 1 kịch bản mua bán và lượng hàng mà nông dân sẽ bán vào những thời điểm nhất định nào đó…
5. Thông tin về tín dụng
Nói về điều này có vẻ hơi lạ, nhưng rất quan trọng, trước đây nông dân Việt Nam hay “bán non” để lấy tiền mua vật tư nông nghiệp hay đơn giản mua gạo để nấu cơm ăn. Giờ cuộc sống thay đổi, nông dân ít người làm chuyện này… nhưng các đại lý và các kho mua bán thì vẫn có… nên cũng là 1 thông tin quan trọng.
Vì phạm trù này rất rộng, nên người viết sẽ chia thành nhiều phần và viết theo sự phản hồi từ chính các bạn. Do đó nếu các bạn muốn, các bạn cứ phản hồi, tôi sẽ viết tiếp. Đây mới là phần I, phần về người nông dân, tôi sẽ viết tiếp phần II, phần về các công ty, các cơ sở chế biến…
Phạm Vỹ (Giacaphe.com)